5 thói quen xấu khi lái xe ô tô dễ gây tai nạn
Lái xe an toàn đòi hỏi người lái cần tập trung
cao độ, tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tuy
nhiên, có những thói quen xấu nhiều tài xế thường mắc phải khi điều khiển ô tô,
dễ gây tai nạn, cần thay đổi càng sớm càng tốt.
Không bật đèn xi nhan
Những tình huống cần thiết bật đèn xi nhan
Không bật xi nhan đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lái xe chủ quan khi xin vượt, chuyển làn, chuyển hướng, tấp vào lề đường và từ lề đường ra làn đường di chuyển không bật xi nhan.
Trong một số trường lợp, lái xe chuyển làn trái nhưng xi nhan phải và ngược lại cũng gây bất ngờ, phán đoán sai cho các phương tiện phía sau. Tình huống “dương đông kích tây” này cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm đáng tiếc.
Không bật đèn xi nhan phạt bao nhiêu?
Trong điều 15 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định về chuyển hướng xe: "Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ". Ngoài ra, các trường hợp như chuyển làn đường hoặc vượt xe khác, tài xế cũng phải bật đèn xi-nhan (theo Điều 13, 14 Luật Giao thông đường bộ). Nếu không chấp hành, tài xế có thể bị phạt từ 200.000 đồng cho đến 6.000.000 đồng (tùy loại lỗi mắc phải). Trong đó, trường hợp xe ô tô không bật xi nhan báo hiệu khi chuyển làn trên đường cao tốc sẽ bị phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.
Để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như những người xung quanh và tránh xảy ra va chạm không đáng có, người lái nên tuân thủ nghiêm túc các trường hợp cần bật xi nhan.
Lái xe vào vùng điểm mù của xe khác
Điểm mù là gì?
Điểm mù là vùng không gian bên ngoài, xung quanh xe mà người lái không thể quan sát trực tiếp hoặc qua gương chiếu hậu khi điều khiển phương tiện giao thông.
Điểm mù của ô tô thường bao gồm:
- Điểm mù phía trước xe, được tạo ra bởi chiều cao đầu xe
- Điểm mù hai bên hông xe mà người lái không thể quan sát trực tiếp hoặc qua gương chiếu hậu
- Điểm mù phía sau xe
Điểm mù xe tải, xe container
Với các phương tiện giao thông có kích thước và trọng tải lớn như xe tải, xe đầu kéo, xe container,... điểm mù càng lớn và việc xem nhẹ điểm mù của các phương tiện này đã từng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và của. Vì vậy, giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện cùng lưu thông và nhất là xe phía trước, tăng tốc trong trường hợp an toàn để tránh khỏi điểm mù của xe phía trước hay nhấn còi cảnh báo cho các phương tiện xung quanh về sự tồn tại của bạn là điều cần thiết để đảm bảo an toàn.
Cách di chuyển an toàn sau xe có điểm mù lớn
Khi tham gia giao thông, đặc biệt trong những cung đường các xe trọng tải lớn lưu thông, người lái cần tập trung quan sát, tuyệt đối không đi gần, đi ngay phía trước đầu xe, đi sát hai bên thành xe, bám sát đuôi xe khác hoặc cắt ngang hướng lưu thông của xe khác. Khi cần vượt và trong phạm vi an toàn có thể vượt, lái xe cần thao tác nhanh chóng, dứt khoát, giữ khoảng cách an toàn, không vượt ở những đoạn đường cong, khúc cua, tầm nhìn bị che khuất.
Ngoài ra, người lái nên chỉnh gương chiếu hậu đúng cách, kết hợp các công cụ hỗ trợ như camera quan sát, cảm biến, gương cầu,...để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Trong trường hợp lùi vào bãi đỗ xe, người lái có thể nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh để khắc phục điểm mù.
Không để chân trên phanh khi cần, nhầm chân ga - chân phanh
Không chỉ với người mới lái xe mà nhiều người lái xe lâu năm cũng có thể mắc phải lỗi không đạp phanh kịp thời khi cần hay nhầm chân ga, chân phanh. Điều này có thể xảy ra khi lái xe mất tập trung, buồn ngủ hay tâm lý không ổn định khi điều khiển phương tiện giao thông. Không để chân trên phanh khi cần thiết dẫn đến xe không kịp giảm tốc hay dừng lại trong trường hợp cần thiết, lực phanh không đủ mạnh là nguyên nhân dễ gây va chạm với các phương tiện phía trước.
Bên cạnh đó, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do nhầm lẫn giữa chân ga - chân phanh là minh chứng cho sự nguy hiểm của vấn đề này. Vì vậy, đặt chân đúng quy chuẩn, tập trung chú ý trong khi lái xe là điều cần thiết kế tránh những va chạm không đáng có do nhầm chân ga - chân phanh.
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Đây là thói quen xấu nhưng “khó sửa” của rất nhiều lái xe. Hình ảnh những tài xế 1 tay lái xe, 1 tay sử dụng điện thoại, ánh mắt bị phân tâm giữa việc lái xe và các thông tin trên hình điện thoại là nguyên nhân gây mất an toàn khi di chuyển.
Điển hình là không kịp phản ứng và xử lý khi có sự cố xảy ra phía trước, không quan sát được các phương tiện di chuyển hai bên, không phanh kịp thời khi cần thiết,... Bên cạnh đó, việc bị cuốn theo các nội dung bên trong điện thoại khiến nhiều lái xe có thể quên rằng mình đang điều khiển phương tiện giao thông và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Di chuyển quá tốc độ, không dừng/di chuyển khi chuyển đèn tín hiệu
Lái xe quá tốc độ phạt bao nhiêu?
Mỗi cung đường thường cắm biển tốc độ di chuyển cho phép. Tuy nhiên, không ít lái xe phớt lờ cảnh báo này, ngay cả khi di chuyển trong khu dân cư đông người hay trên đường cao tốc. Hậu quả là không xử lý kịp thời trong những tình huống khẩn cấp và gây ra tai nạn.
Trong luật giao thông đường bộ đã có quy định về xử phạt trong trường hợp lái xe quá tốc độ cho phép. Để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện cùng lưu thông trên đường, lái xe hãy tuân thủ quy định về tốc độ cho phép ở mỗi cung đường.
Mức phạt lỗi điều khiển xe vượt tốc độ được bổ sung, sửa đổi và thay bằng Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2021:
- Điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ từ 05km/h - dưới 10km/h bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
- Điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ từ 10km/h - 20km/h phải đóng phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
- Người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ trên 20km/h - 35km/h bị phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô vượt trên 35km/h so với tốc độ cho phép phải đóng phạt 10.000.000 - 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Không dừng khi chuyển đèn tín hiệu
Bên cạnh đó, việc vượt đèn đỏ, cố vượt nhanh qua đường khi đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng hay đạp ga di chuyển khi vẫn còn 1, 2 giây đèn đỏ cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm đáng tiếc. Vì vậy, khi di chuyển, lái xe cần tuân thủ quy định tín hiệu đèn giao thông.
Tuy nhiên, tùy vào thực trạng giao thông, người lái cần linh hoạt xử lý tình huống. Ví dụ đèn xanh nhưng các phương tiện cắt ngang vẫn đang cố vượt qua, người lái cần giữ tốc độ và khoảng cách phù hợp để tránh xảy ra va chạm. Không tăng tốc quá nhanh khi đèn vừa chuyển từ tín hiệu dừng sang tín hiệu di chuyển là điều cần ghi nhớ để kiểm soát các tình huống khẩn cấp.
Để tham gia giao thông an toàn và văn minh, người lái xe hãy tuân thủ đúng các quy định pháp luật về an toàn giao thông, giữ sự tập trung cao độ và bình tĩnh khi điều khiển ô tô, vì an toàn của chính chúng ta và xã hội.